Thứ Hai, 9 tháng 10, 2023

SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
HƯƠNG MÙA HẠ
        Tiếp theo sinh hoạt thường niên bầu ban chấp hành của CLBVH Paris vào tháng tư vừa qua. Ngày 29-06-2014, buổi sinh hoạt VHNT được tổ chức ở Vitry Sur Seine với chủ đề Hương Mùa Hạ. Ngoài những khuôn mặt thường xuyên hiện diện trong giới sinh hoạt Văn Hóa và Cộng Đồng người Việt ở Paris, đặc biệt có thêm một số người trẻ đến tham dự được giới thiệu lần lượt như sau : GsTs Trần văn Cảnh, GsTs Trần Văn Thu, GsTs Phạm Đình Liên, GsTs Âm nhạc Quỳnh Hạnh, Gs Nguyễn Bảo Hưng, Gs Võ Hùng Anh, Gs Trịnh Khải, Gs Nguyễn Quý Toàn, Gs Hoàng Lan Hương, Gs Bửu Phôi, Kỹ sư Đỗ Hữu Hứa, Kỹ sư Nguyễn Thế Tâm, Kỹ sư Lê Minh Triết, Bác sĩ Huỳnh Trung Nhì, Bác sĩ Phan Khắc Tường, Niên trưởng hướng đạo Ông Châu Văn Lộc, Nhà văn, nhà báo Dương Văn Lợi, Nhà văn Hồ Trường An, Nhà văn Trần Trung Quân, Nhà biên khảo Trần Tam Nguyên, Nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, Nhà thơ Quỳnh Liên Cao Văn Chiểu, Nhà thơ Đỗ Bình, Nhà thơ Âu Dương Trọng Lễ, Nhà thơ Trịnh Cơ, Nhà thơ Thanh Vân, Nhà thơ Hà Lệ Thu, Nhà thơ Nguyễn Hà Thân Thanh, Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, Nhạc sĩ Cát Tưởng, Nghệ sĩ Thúy Hằng, Nghệ sĩ Minh Cầm, Ca sĩ Kim Thu, Ca sĩ Tuyết Dung, Ca sĩ Hải Yến, Bà Trần Bạch Sương đại diện Tạp chí văn học Nguồn, Mây Thu đại diện Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm .v.v.
      Mở đầu chương trình vào khoảng 15 giờ. Cựu chủ tịch CLBVH, Bác sĩ Phan Khắc Tường được mời lên phát biểu : « Chúng ta ra đi mang theo văn hóa của miền Nam, một thứ văn hóa hết sức độc đáo, đặc thù mà chúng ta còn gìn giữ đến ngày nay. Nét đặc thù đó kể ra tương đối khác với những văn hóa mà miền Bắc không có. Như nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã dày công làm ra CD nhạc với những bài hát lấy từ thi phẩm cổ xưa là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du mà không để sai xót một chữ. Đó là một điều rất đáng quý bởi chúng ta làm văn hóa là chúng ta còn gìn giữ lại lai lịch nguồn gốc  của chúng ta ».
        Chủ tịch CLBVH Paris, nhà thơ Đỗ Bình, được giao phó điều hành CLB trong buổi bầu ban chấp hành vừa qua, ngõ lời tường trình : «Chúng ta họp mặt hôm nay với chủ đề Hương Mùa Hạ, hương thơm của văn hóa trong mùa hạ, cũng giống như chúng ta đã từng thực hiện các chủ đề : Hương Thu Paris, Xuân Tha Hương, Thu Tao Ngộ, Thu Đất Khách, Một Thoáng Paris .v.v. Với những chủ đề đó, trong suốt tiến trình mấy chục năm hoạt động, CLBVH của chúng ta cũng có rất nhiều người đã ra đi, nhưng sự đóng góp của họ đã mang lại lợi ích cho sinh hoạt văn hóa như những bông hoa đẹp tô thắm cho đời, nhất là Tình Người ở tại Paris. Trong tháng sáu này, chúng ta vừa mất mát một nghệ sĩ. Đó là Giáo sư Nguyễn Hữu Ích tức Nhà báo, Nhà văn Phạm Hữu, một mất mát to lớn bởi anh là người rất yêu văn học nghệ thuật và có lý tưởng. Ngoài ra hầu hết các anh chị em trước kia từ lâu đã từng chung sinh hoạt, nay đã trở lại như : Bác sĩ Dương Kim Lan, Thu Thủy, Nhạc sĩ Phạm Đăng Thiện, Nhạc sĩ Anh Việt Thanh, Nhạc sĩ Minh Nhật, Nhà văn, thơ Ngân Đoài, Nhà thơ Thy Thảo, Nhà thơ Thanh Hương, Nhà thơ Minh Hồ Đào, Nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu, Nhạc sĩ Đức Nguyên .v.v. Và có rất nhiều người hôm nay không đến được vì bận việc, hoặc đi hè hay vì tuổi cao,  như  Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, Nhà văn Tô Vũ, Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu… Khung trời văn học nghệ thuật là một cõi mênh mông mà nghệ sĩ đã thể hiện những cảm xúc của tâm hồn qua tác phẩm. Con đường sáng tạo của nghệ sĩ rất thênh thang nhưng lại không có lối chung, mỗi người mỗi cách để đi tìm một cõi riêng. »
        Sau đó ông mời nhà thơ Phương Du lên phát biểu : «Vào năm 1954, trong cuộc hội nghị giữa các nước không liên kết tổ chức tại Indonesia, ông Chu Ân Lai có đến gặp đại sứ Pháp than phiền rằng : Tại sao người Pháp không giúp dân tộc Trung Hoa chúng tôi đọc được tiếng như là tiếng Quốc Ngữ của người Việt Nam? Chữ Quốc Ngữ của người Việt Nam may mắn được thành lập như vậy là một điều rất quý hóa. Cho nên ta là những người được thừa hưởng cần phải duy trì và bảo tồn ».
        Đề nghị một dự án nghiên cứu trong tiến trình sinh hoạt văn hóa là đề tài chính trong buổi họp mặt hôm nay. GsTs Trần Văn Cảnh sau khi trao đổi và thảo luận trong các buổi họp trước, đã phát biểu : « CLBVHVN nên giữ lại truyền thống của văn hóa Việt Nam. Đầu tiên là Đức Khổng Tử đã dùng chữ Văn Hiến có nghĩa là văn, thơ và người hiền. Nguyễn Trãi dùng chữ Văn Hiến nghĩa là tư liệu thành văn từ xưa còn để lại. Lê Quý Đôn dùng chữ Văn Hiến nghĩa là có văn hóa thì có sách vở. Còn theo Phan Huy Chú : nước Việt Nam ta là nước giữ lễ đã hơn ngàn năm nay, vốn có sách vở đã từ lâu năm, thời Đinh-Lê dựng nước mở mang cho đến Lý-Trần. Nho sĩ đời nào cũng có, các sách thông dịch, điển chương, điều luật, thi ca văn nhã nẩy nở như rừng. Công nghiệp văn hóa của bốn tác giả tiền nhân của chúng ta, từ xưa tồn tại cho đến bây giờ. Chúng ta có thể dùng để nêu gương và làm kế nghiệp những công việc đó. Điều này cũng thích hợp bởi hiểu theo nghĩa của Âu Châu cũng như Việt Nam tức là Culture, nghĩ tới sáng tác của các nghệ sĩ tài cao học rộng. Do đó dựa theo lịch sử để mà hiểu và định nghĩa chữ Văn Hóa chúng ta sẽ làm văn hóa như thế nào ? Viết để làm gì ? Viết như thế nào ? Ai viết và viết cho ai ? Trong chiều hướng giáo dục thì có bảy cấp: học, hiểu, áp dụng, phân tích, tổng hợp, định giá và sáng tạo. Bất cứ người nào để sáng tạo thì không thể nào không học, không hiểu và không biết. Thành thử viết ra để cho mọi người tự do. Những người có khả năng sáng tác, họ đã có trải qua một kinh nghiệm đủ để biết điều họ làm là đúng. Như vậy mục tiêu căn bản của CLBVHVN Paris, nhằm giới thiệu và phổ biến những tác phẩm giá trị, thuần túy văn hóa dựa trên tiêu chuẩn cách viết có lưu tâm gìn giữ và phát triển sự trong sáng tiếng Việt. Các tác phẩm được phổ biến gồm nhiều loại: Sáng tác, phê bình văn học, biên khảo, dịch thuật do các thành viên của Câu Lạc Bộ hay do các văn nghệ sĩ của các Cộng Đoàn VN khác. CLBVHVN Paris sẽ thành lập một trang mạng web lấy tên là :  TIẾNG NƯỚC TÔI. Sau một hay ba năm, chúng ta có thể có một loạt chương trình khác nữa : phổ biến rộng rãi cho các cộng đoàn, mở những khóa học hỏi tiếng việt hay mở những lớp cho giới trẻ .v.v. Dự án đó tùy thuộc vào khả năng của chúng ta, còn đây chỉ là một việc nhỏ trong bước đầu gợi ra để tiến hành đến các kế hoạch khác trong tương lai ».
        Nhiều người góp ý kiến thêm, mỗi người đưa ra nhận định và quan điểm của mình rất sôi nổi. Nhà văn Trần Trung Quân cùng góp ý với GsTs Trần Văn Cảnh:«Cây cau biểu tượng cho tình nghĩa. Cây tre biểu tượng tình đoàn kết của xóm làng. Cây lúa tượng trưng cho nước và đất. Việt Nam là nước duy nhất không gọi mình là Quê Hương mà gọi là Đất và Nước. Ý nghĩa của dân tộc là ba cây cau, tre, và lúa. Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Sự trường tồn của đất nước, giống nòi cũng nằm trong linh hồn dân tộc đó mà thôi. Như vậy, văn hóa nằm trong chiều hướng chúng ta phải trở về nguồn. Chúng ta viết những gì về cách sống, cách suy nghĩ của người dân, thái độ, sức chịu đựng, sức kháng cự và chống ngoại xâm. Chúng ta phải viết những gì đóng góp lại thành một bộ mặt văn hóa ghi lại nguồn gốc của mình. Giữ được gốc thì chúng ta mới có cái ngọn. Khi nắm cái ngọn không thì chúng ta sẽ mất gốc trong các thế hệ ở tương lai ».
        Tiếp nối chương trình với đề tài : « Ảnh hưởng của văn hóa Champa trong âm nhạc Việt Nam ». Gs Quỳnh Hạnh dùng chương trình Power Point để chiếu lên hình ảnh, trình bày và giải thích rất cặn kẻ qua tài liệu khảo cổ học, dân tộc học, âm nhạc học (Ethnomusicologie) các Thang âm và điệu thức Việt Nam, nhóm ngôn ngữ Việt-Mường Proto-Vietnammien, nhóm ngôn ngữ Chàm Malayo-Polynésien, Thang âm và điệu thức Huế, bảng đối chiếu Thang âm Tây Phương-Việt Nam hóa và Thang âm Việt Nam-Tây Phương hóa. Dẫn chứng về âm nhạc qua bài hát cổ truyền Huế, Gs Quỳnh Hạnh hát cho nghe điệu Nam Bình: « Nước non ngàn dặm ra đi, Có tình chi! Mượn màu son phấn, Đền nợ Ô, Ly, Đắng cay vì, Đương độ xuân thì… ». Còn có bài Lý Qua Đèo với tiết tấu rộn ràng theo điệu múa Chàm. Trong tân nhạc có Tiếng Hát Dân Chàm, Hận Đồ Bàn và cải lương có vở Đồ Bàn Di Hận của soạn giả Lê Khanh do Đoàn Thanh Minh trình diễn với các diễn viên Năm Nghĩa tức soạn giả Lưu Hoài Nghĩa, Út Bạch Lan, Thanh Nga lúc còn nhỏ. Tóm lại, theo Gs Quỳnh Hạnh, văn hóa ở trong tim của mỗi người Việt Nam chúng ta dù tha hương ở bất cứ đâu vẫn mang theo và phát triển. Giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Champa từ những thế kỷ trước là một điều tất yếu, những gì phù hợp với khiếu thẩm mỹ của dân tộc Việt Nam thì sẽ ở lại mãi mãi với chúng ta và làm phong phú thêm vẻ đa dạng của văn hóa Việt Nam.
        Sau đó cũng với tiếng đàn tranh của Gs Quỳnh Hạnh, nghệ sĩ Thúy Hằng diễn ngâm bài thơ « Ước Mơ »* của Thi sĩ Phan Khâm. Nhà thơ Đỗ Bình diễn ngâm tiếp theo bài thơ « Lời Tình Buồn » của cố thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh (1943-2014), bài thơ này  được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc vào khoảng cuối thập niên 60, tiếp theo ca sĩ Kim Thu trình bày nhạc phẩm Đường Xưa Lối Cũ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
        Gs Bửu Phôi nói về Âm Nhạc Tân Điệu Thức hay Musique Néo-Modale :Là một loại nhạc có từ xưa thời Trung cổ nhưng nó trở thành một thứ nhu cầu của chúng ta vì tính chất đa dạng. Néo nghĩa là mới. Tân điệu thức là một loại nhạc được sửa đổi lại các phương thức cấu trúc của âm nhạc với những kỹ thuật hợp âm hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn để cho giai điệu được phong phú, mới mẻ, bớt nhàm chán. Dẫn chứng bằng trích đoạn concerto cho đàn violon, mà Gs cho thính giả cùng nghe, với kỹ thuật mới tạo cho ta một thứ âm nhạc rất gần với Á Đông nhưng đồng thời cũng có cảm giác giống nhạc hiện đại Tây Phương. Gs cũng cho thính giả nghe bài thơ « Nhớ Nhung » của Hàn Mặc Tử phổ nhạc theo phương thức mới mẻ này.
        Với tiêu đề Tác giả và tác phẩm : Nhạc sĩ Cát Tưởng lần đầu tiên xuất hiện trong sinh hoạt CLBVH, nhà thơ Đỗ Bình giới thiệu đôi lời: « Mới vào tuổi đôi mươi là lúc quê hương chịu một biến cố đau buồn nên Cát Tưởng cũng bị cuộn theo cơn lốc của đất nước ! Có lẽ những ấn tượng về quê hương quá sâu đậm trong tâm hồn qua sự rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ với cuộc đời. Từ đó đã đưa Cát Tưởng bước vào lãnh vực sáng tác Nhạc và Thơ, mà Ca từ là những ngôn ngữ hình tượng, được hòa quyện với giai điệu tạo nên một cõi riêng của khung trời Cát Tưởng. Trong suốt hơn 70 năm, dòng tân nhạc Việt Nam thiếu những concerto viết cho một trường nhạc. Đa số nhạc sĩ Việt Nam viết theo lối ca khúc, để chuyển tải những ca từ phát nguồn từ những bài thơ. Ở đây «Tình Khúc Cát Tưởng» với những cấu trúc dùng rất giản dị, tuy nhiên trong cái giản dị này là một nghệ thuật. Nhạc sĩ Cát Tưởng mang tâm hồn thơ, và là một người theo thiền, cho nên ở trong tâm tư của Cát Tưởng đã có sẵn những hình tượng riêng biệt không đồng cảm xúc như những nhạc sĩ khác. Dùng những chủ âm La trưởng, La giáng trưởng, Fa thứ, Fa thứ thăng, Do thứ .v.v. Tất cả những hợp âm đó có cấu trúc rất phức tạp, Cát Tưởng thích sử dụng vì dễ diễn tả cảm xúc trải trên cung bậc qua một chất giọng rất đặc biệt của mình, nên bị chất giọng chi phối khi sáng tác. Hơn nữa Cát tưởng là một nhà thơ chỉ muốn chuyên chở dòng thơ qua âm nhạc ; Do đó đã tạo được những giai điệu đầy chất thơ ». Một số tuyển tập Nhạc đã hoàn tất như : Quê Hương Tôi Khóc, Vòm Trời Nào Cho Em, Chuyện Tình Nhân Gian, Tình Buông Gió Cao.v.v. Tình Người Trong Tôi và Đàn Nhớ là hai nhạc phẩm tiêu biểu trong « Tình Khúc Cát Tưởng » được trình bày hôm nay với giọng hát của tác giả.
        Chương trình chuyển đổi qua thơ và nhạc, Nghệ sĩ Minh Cầm trình bày Hẹn Một Ngày Về, sáng tác của Nhạc sĩ Phạm Đình Liên viết năm 1957. Sau đó, Nữ sĩ Quỳnh Liên Cao Văn Chiểu đọc bài thơ « Qua Cầu Nhớ Bạn » được Ca sĩ Hải Yến diễn ngâm. Đến lượt nhà thơ Hà Lệ Thu đọc bài thơ « Sầu Dâng » do Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng diễn ngâm. Và Nguyễn Hà Thân Thanh, là nhà thơ trẻ nhất trong CLB hôm nay, cũng như nhạc sĩ Cát Tưởng, lần đầu tiên đến tham dự sinh hoạt, anh đã cho ra mắt Thi tập « Còn Chi Để Nhớ » tại quán Chiều Tím ở Paris vào đầu năm 2012.  Bài thơ « Đồ Bàn Ai Đổi Huyền Trân? » ghi trong thi tập được anh đọc lên với vô vàn cảm xúc, những lời thơ thật ngậm ngùi tưởng tiếc một thời vàng son đã mất: « Còn đâu nữa những triều loan yến tiệc. Còn đâu nữa giọng ca Hời thảm thiết. Điệu u trầm vương cổ tháp uy linh… » ; Nhưng cũng rất huy hoàng hùng tráng thuở « Chế Bồng Nga thời yên ngựa rừng gươm, một kiếm thép từng đoạt thành chém tướng… ». Nhà thơ Trịnh Cơ, bạn đồng khóa với người anh hùng Hoàng Sa Ngụy Văn Thà, và nhạc sĩ Trường Sa trong binh chủng Hải quân, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã lênh đênh trên đại dương suốt cuộc đời trai trẻ, anh đọc bốn câu thơ lục bát có tựa đề Viễn Khơi :« Mãi theo giấc mộng hải hồ. Yêu em anh vẫn nhớ bờ thùy dương. Anh là người của muôn phương. Nghìn năm thuyền vẫn còn thương biển buồn ». Nhạc phẩm « Lời Tình Buồn » của Vũ Thành An được Ca sĩ Tuyết Dung trình bày tiếp theo với tiếng đàn Tây ban cầm tuyệt diệu của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.
        Có nên sửa Thơ, Nhạc của người không?
        Gs Nguyễn Bảo Hưng lên máy ghi âm tường trình : « Ai ngồi  mận đào. Tôi  tôi ước ngọt ngào dung nhan ». Các chữ mơ này không đồng nghĩa. Ở câu đầu là thế giới của người khác. Ở câu sau là thế giới của nhà thơ. Hai thế giới này khác nhau. Thế giới của nhà thơ đầy mộng tưởng. Và tôi ước nghe tưởng là cho có vần điệu nhưng sự thật ước ở đây có nghĩa là mong ước (souhaiter). Rồi đến câu thứ ba : « Nghe rơi rơi thấm vào hồn ». Chữ rơi rơi là một nhạc điệu, tả tình trạng giấc mơ hiện đến từ từ dâng lên một cách nhẹ nhàng. Chữ ngọt ngàonói về cái gì đó thật đậm đà ý vị. Chữ dung nhan nói tới nhan sắc của người đẹp, nhưng không phải là nhan sắc về hình hài thân xác mà là cái gì đẹp lý tưởng nhất trong trí tưởng tượng rất lung linh mơ hồ. Các câu kế tiếp là hình dung của người đẹp lý tưởng chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi, tác giả ước mơ được gặp và có lẽ cho tới kiếp sau vẫn còn ước mơ được gặp! (Kiếp sau  cho tôi nguyện cầu, Thế nào em cũng nhiệm mầu đi qua). Đến hai câu chót : « Lưng đồi nắng xuống rưng rưng, Níu tay em lại xin đừng hoàng hôn ». Tác giả phải gạn lọc dữ lắm mới được các chữ rưng rưng và hoàng hôn, thật gợi cảm đa tình đa nghĩa. Hình ảnh nắng hoàng hôn chiếu xuống có thể qua sương mù cũng thấy lung lay, tâm trạng tác giả khi nhìn thấy chiều tàn thì sắp sửa muốn khóc, mà hoàng  hôn là buổi đêm dần xuống, xem như giấc mộng sắp sửa tan đi, hình ảnh người đẹp tưởng tượng trong giấc mơ sẽ dần tan biến theo bóng đêm không còn nữa, nên tác giả muốn níu kéo lại phút giây vô cùng đó. Đây là một bài thơ tuyệt hảo thể hiện đúng thi pháp của trường phái biểu tượng (poésie symbolique), tâm cảm và tâm cảnh có sự liên hệ với nhau. Như trong bài thơ « Art poétique » của Verlaine : « De la musique avant toute chose… Choisir tes mots sans quelque méprise : rien de plus cher que la chanson grise où l’Indécis au Précis se joint » (Nhạc là trên hết… Hãy chọn chữ không sai lầm: không có gì quý hơn một bài hát xám nơi mà Chính xác và Mơ hồ liên kết nhau).
        Thoạt đầu khi dịch hai câu chót, tôi nghĩ : người ta nói rưng rưng khóc, rưng rưng cảm động chứ đâu ai nói nắng xuống rưng rưng ! Rồi tại sao lại dùng hai chữ hoàng hôn ? Chắc chỉ là giữa đôi tình nhân tâm tình ở bên đồi cho đến khi chiều xuống thì « nàng » muốn về mà « chàng » thì níu kéo. Tôi mới sửa lại, và dịch lại như sau : Hoàng hôn nắng xuống lưng đồi, Rưng rưng tôi níu tay người đừng xa. (Au flanc de la colline descend le crépuscule, les larmes aux yeux, je m’accroche à tes bras en te priant de ne pas me quitter). Tôi hãnh diện lắm vì tôi sửa được thơ mà ! Thơ vẫn như vậy, diễn tả nó sáng sủa. Nhưng khi càng đọc kỹ lại bài thơ tôi càng giật mình! Tôi mới nói theo kinh nghiệm bản thân của tôi rằng : « Khi chúng ta đọc thơ của người khác, chúng ta đừng nên vội chưa tìm hiểu tới nơi tới chốn mà phải hết sức thận trọng, tự đặt mình vào tâm trạng của tác giả để tìm thấy cái hay tuyệt tác của bài thơ ».
        Trong bài « Đằng Vương Các Tự » của Vương Bột (647-675), thi sĩ nổi tiếng thời Sơ Đường (618-713), có một câu thật hay được trầm trồ : Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc ; Được dịch nghĩa : Ráng chiều với cò lẽ cùng bay, Nước thu cùng trời dài một sắc. Đời nhà Trần có một ông quan tên là Hồ Tông Thốc khi đi xứ  sang Tàu đọc bài thơ, tuy khen hay nhưng lại chê thừa chữ, và sửa bài thơ. Cho rằng mỗi câu nên bỏ đi một chữ. Tề phi là cùng bay, thì không cần chữ dữ nghĩa là với nữa. Câu thứ nhì vì rằng nhất sắc tức một màu thì không cần chữ cộng nữa. Câu thơ ấy trở thành : Lạc hà cô vụ tề phi, thu thủy tràng thiên nhất sắc. Có nhiều người bình thơ cho rằng về phương diện ngữ nghĩa là đúng. Nhưng trong thơ có nhạc tính, nếu bỏ đi một chữ thì tính nhạc của bài thơ bị hụt đi một khoảng âm, chữ cộng đó được làm đà để giúp cho câu thơ vượt lên. Người bình thơ đó phải giỏi về nhiều bộ môn : âm nhạc, hội họa, tư tưởng, mới cảm nhận được cái hay của bài thơ.
        Sau đó Ca sĩ Hải Yến hát câu vọng cổ « Đêm Mê Linh » thật ngọt, thật mùi mẫn mà cũng thật hào hùng chí khí của Hai Bà Trưng Trắc -Trưng Nhị. Ca sĩ Hải yến hát tiếp theo bài Chỉ Yêu Cuộc Tình, thơ Đỗ Bình, Nhạc Trịnh Hưng và tiếng đàn Tây ban cầm của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.
        Ý kiến phê bình rỉ rả vào tai nhau không dứt. Tiếng cười nói, tiếng pha trò dí dõm cũng rất thân tình. Chương trình sẽ còn dài để có thêm cuộc bàn luận hấp dẫn sôi nổi về những đề tài vừa được nêu ra, nhưng thời gian có hạn. Đành phải hẹn gặp lại lần sau. 
        Kết thúc chương trình vào khoảng 19 giờ.
Nguyễn Mây Thu
(Paris, 04-07-2014)
ƯỚC MƠ *
Ai ngồi mơ mận mơ đào
Tôi mơ tôi ước ngọt ngào dung nhan
Nghe rơi rơi thấm vào hồn
Đôi môi em mộng nét son kinh kỳ
Đẹp như một đóa trà mi
Da ngà mắt ngọc dậy thì xuân xanh
Xin đừng là thoáng mong manh
Giữa ta vô ngã chung quanh vô thường
Nẻo về trăm nhớ ngàn thương
Nẻo đi giăng lối tơ vương ban đầu
Kiếp sau cho tôi nguyện cầu
Thế nào em cũng nhiệm mầu đi qua
Chắc rằng thuở đó đôi ta
Yêu em xõa tóc nết na ngại ngùng
Lưng đồi nắng xuống rưng rưng
Níu tay em lại xin đừng hoàng hôn
Phan Khâm

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét