Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022

VĂN - TNKH


PHỨC CẢM

Hiền đã ở nhà bạn mấy ngày rồi, vì muốn tránh mặt Trung chồng cô. Suốt mấy ngày nay điện thọai cầm tay cứ  tha hồ mà réo liên tục, nhưng hình như trong lòng Hiền đang xảy ra sự mâu thuẩn. Một nửa dường như mong chờ, một nửa lại sợ phải nghe ! Có khi cầm lên rồi lại tần ngần bỏ xuống, mặc dầu có vẻ vô cùng bức rức. Từ buổi sáng thức dậy là cô đã bồn chồn, thẩn thờ… Cũng dễ hiểu, bởi vì Hiền lo lắng và nhớ bé Quyên. Lúc vội vã ra đi, H rất muốn đem con bé theo nhưng không cách nào được, vì Trung sẽ không bao giờ để Hiền đem con đi. Anh ta rất cưng bé Quyên, hơn nữa, anh thừa hiểu là ngày nào đứa trẻ còn trong tay mình thì cho dù giữa hai vợ chồng có sứt mẻ trầm trọng đến đâu chăng nữa thì Hiền cũng không thể bỏ con, và dĩ nhiên không thể rời khỏi anh ta được. Như vẫn thường xảy ra trước đây.
Trong căn phòng khách nhỏ, ấm cúng, vào một buổi chiều mùa xuân. Linh ngồi đối diện và chăm chú lắng nghe bạn, Hiền với giọng trầm buồn đang kể lại những diễn biến, nguyên nhân vì sao cô đã phải trốn chạy khỏi cái hạnh phúc ao tù đã giam giữ mình hơn mười năm qua… Linh đã đi từ ngạc nhiên này qua ngỡ ngàng khác… Không ngờ là đời sống gia đình của bạn, mà trước đây có một số người cho là đẹp đôi, lý tưởng và tràn đầy hạnh phúc, lại chỉ tràn ngập oan trái, khổ lụy như vậy…

***
Có lẽ vì Trung. mà Hiền đành mang cái án mãi mãi trong lương tâm : « kẻ phản bội » ! Phản bội người tình đầu đã thề non hẹn biển từ thuở còn cắp sách đến trường. Nói đúng hơn là không thể, hay không dám tìm gặp lại…Rồi từ đó, dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng cô vẫn cứ sống trong sự khắc khoải, cắn rức lương tâm triền miên. Ngược lại thì Trung cũng vì dính líu tình cảm với Hiền nên cũng đã phải lìa bỏ người vợ trước của mình để cùng Hiền xây tổ ấm. Mối tình này của họ, phải chăng cũng là một trong những nguyên nhân đã khiến cho họ phải luôn luôn sống trong một thứ hạnh phúc chấp vá, dằn co, xâu xé giữa đam mê, khát vọng và mặc cảm. Giữa nghi ngờ và mâu thuẩn, pha lẫn đôi chút màu sắc của oán hận !
Cho dù có vẻ như vì Trung mà Hiền đã như cây lao, lỡ theo đà phóng và cứ phải tiếp tục bay tới trước. Như người kỵ sỹ đã lên yên ngựa và cứ phải cỡi cho dù con ngựa tốt hay xấu. Sau « cái duyên oan nghiệt, định mệnh » ấy…
Nhưng Hiền dường như cũng đã từ từ bị chinh phục, quyến rũ bởi cái dáng vẻ bề ngoài mềm mỏng, trí thức của Trung. Ngay cả với cá tính cố chấp, cao ngạo đi đến chỗ độc đoán, vậy mà sao  H. lại cảm thấy là có vẻ tự quyết, mạnh mẻ. Phải chăng vì những điều này đã vô tình bổ túc cho sự yếu đuối của cô, sự sợ hải phải đương đầu, tính toán và bươn chải một mình trong cuộc sống thực tế. Sự già dặn, từng trãi, khôn ngoan và đầy kinh nghiệm sống của Trung là bức tường thành vững chải cho Hiền ẩn trú, mà có lần chính mẹ của Hiền cũng đã nhìn ra điều này. Cho đến hôm nay H. vẫn không thể nắm rỏ được thứ tình cảm mà Trung dành cho cô là thứ phức cảm hòa trộn nào của bản ngã. Là sự đam mê, chiếm hữu, là sự ngưỡng mộ hay đố kỵ, chà đạp...Dường như là tất cả, là duyên nợ từ bao đời kiếp oan khiên, và ngược lại ! Nhưng cái dây oan này đã vô hình trói chặt họ lại với nhau, quấn quýt, chằng chịt, không thể nào tháo gỡ được !

Thắm thoắt họ chung sống với nhau đã hơn mười năm. Trong những năm dài, Hiền đã bao lần ray rức, trăn trở tự hỏi lòng mình, trong những ngày ngập tràn nước mắt bởi hờn ghen, khi khám phá ra những bức thư liên lạc giữa Trung và người tình cũ, và hình như người tình xưa của Trung chưa hề biết rằng mình đã bị phản bội. Nào là nổi cô đơn, lo sợ khi phải một mình ôm con bị bệnh, lẻ loi giữa đêm khuya trong những lần chồng đi công tác xa, và ngay cả có khi chỉ là cái cớ để đi chơi riêng với bạn bè. Để rồi sau đó, lúc trở về, lại rất tự nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra. Khi Hiền trách móc, thì Trung còn cười riễu cợt là : «Ối chuyện bé thế mà cũng cứ làm ầm lên, rõ là đàn bà ». Hiền tức quá hỏi : « Sao anh có thể nói một cách vô trách nhiệm như vậy được » Trung vẫn cái luận điệu độc đáo của mình : « Ối, con nít bệnh là chuyện thường, thế nó đã có sao đâu nào »…Và thế là cả hai lại cãi vã, từ tranh luận, trách cứ, dỗi hờn, đi dần đến to tiếng, và đồ đạt bắt đầu bay. Cho đến khi Trung sau cơn giân dữ, đỏ mặt, tía tai, la lối đã rồi thì xách xe bỏ đi. Mặc kệ cho Hiền ở đó rên rĩ một mình, khóc lóc làm bạn với những giọt lệ thoải mái tự do. Có đôi lúc anh ta đem theo bé Quyên và để trừng phạt Hiền, anh ta đi dông đi dài có khi đến khuya mới về. Khi về đến nhà, con bé chỉ lên giường là đã vật ra ngủ. Những lần như vậy Hiền lại cứ nơm nớp, ngong ngóng bên cửa vì lo cho con. Rõ khổ.
Đã có những khi vợ chồng bất hòa và Trung không dằn được máu nóng nên bạt tai  Hiền. Và sẵn đà anh cho đồ đạt xuống đất hết, đến khi thấy con sợ quá, khóc ré lên, anh ta mới ngưng lại, thế là H. lại phải ôm con đi kiếm chổ trốn. Một lần sợ quá, H. đã lén bế con đi lánh nạn ở nhà một người bà con. Trung tìm biết được đã đến gây sự với vợ chồng người kia, đòi kiện họ tội dụ dỗ vợ, con anh, làm hai người tốt bụng ấy phải một phen bị quấy nhiễu nên sợ quá, sau đó không dám liên lạc với Hiền nữa. Lần đó sau khi đã đem Hiền về và giáo huấn đã đời rồi thì anh ta bèn nhốt H. trong nhà, mỗi khi đi đâu khóa cửa lớn và không cho vợ giữ chìa khóa. Cấm bé Quyên đến gần mẹ. Thế là chỉ sau vài ngày, lâu lắm chỉ một tuần thì vì nhớ con quá nên chính  Hiền phải làm hòa, bằng nụ cười tươi tắn, giọng nói êm ái, ánh mắt dịu dàng cùng những bữa ăn ngon, món mới lạ…
(Còn tiếp)
***
(2)
Có đôi khi họ đi du lịch cho thay đổi không khí, mong tìm lại cái thi vị của đời sống vợ chồng. Họ hòa thuận lại với nhau được một thời gian, cho dù trong lòng Hiền tình cảm càng lúc càng trở nên một cánh đồng hoang vu, mọi cảm xúc nồng nàn ngày xưa dành cho Trung, càng lúc càng miễn cưỡng, gượng ép và che đậy. H. thật khó mà quên cái cảm giác hơi sờ sợ, mỗi khi sau một lần xung đột mà Trung tự thấy mình có lỗi nên đã tìm cách chìu chuộng, thân mật với vợ. Có khi anh ta với vẽ mặt buồn bã, chân thành ngồi bên cạnh vợ, giọng ngọt ngào, hối lỗi : «Em đâu biết anh chỉ yêu một mình em, trong đời anh chỉ có vợ con là trên hết ».... Mỗi lần như vậy lòng Hiền lại nhũn ra như bèo. Dù biết là một thói quen, như khi ăn, ngũ, vui, buồn, giận, ghét. Rồi thói quen của ân hận, xin lỗi, làm hòa. Thói quen của những câu nói đã dùng suốt cuộc đời, được lập đi lập lại thật nhuần nhuyễn, lưu loát. Có lẽ đôi lúc chính người đang sử dụng cũng tự ngạc nhiên với mình, không ngờ là mình lại nói ra một cách chân thành như vậy.
Rồi những đêm dài trăn trở, thao thức…Khi chiếc bóng kỷ niệm hiện về, cùng với những ân tình chia sớt, hẹn thề cùng người yêu xưa, mà một lần chia ly đâu ngờ là vĩnh biệt !
Vài năm trước, khi gia đình cho biết tin của Tiến : Vì thương nhớ Hiền. mà cũng vì bị tổn thương khi nghĩ là mình « bị phản bội », đã mang bênh triền miên, suốt nhiều năm, anh ta không còn sinh hoạt bình thường như xưa nữa vì mang bệnh trầm uẫn ! Được tin này lòng Hiền đã xốn xang vô cùng, sự ân hận từ bao năm qua càng bùng lên trong tâm tư, khiến cô ăn, ngũ, ngồi, đứng không yên. Sau đó  bằng mọi giá, cô đã tìm cách trở về nơi ở cũ để tìm gặp lại người xưa. Với dự định đối diện cùng cố nhân một lần cuối, được nói câu « xin lỗi », và cũng để tự xin lỗi với chính lương tâm mình, sau bao nhiêu năm oằn trĩu bởi mặc cảm không nguôi. Cho dù người ấy có tha thứ hay không !
Để có lý do chính đáng trở về thăm người ấy mà Trung không thể nghi ngờ và không thể ngăn cản. Hiền đã phải suy nghĩ nát óc trong nhiều ngày, và cuối cùng với sự thông cảm của gia đình, Hiền đã được sắp xếp chuyến trở về trong kín đáo và với lý do thăm cha mẹ xa cách đã bao năm.
Đến nơi, việc đầu tiên của Hiền là tìm đến địa chỉ của gia đình Tiến ở trước đây. Đã nhiều năm không còn liên lạc thư từ gì nữa, và cũng từ sự tan vỡ của Hiền và Tiến nên hai gia đình cũng đoạn giao từ lâu. Do đó thật sự Hiền cũng không rỏ là họ còn ở địa chỉ cũ hay không.
Đứng trước ngôi nhà mà ngày nào cô đã thường đến chơi thường xuyên, nay cửa đóng im lìm và bên ngoài đã được sơn sửa mới lạ. Hiền chợt nghe lòng chùng xuống bâng khuâng và có linh tính, cảnh cũ còn nhưng người xưa đã vắng.
Sau khi tìm hỏi người hàng xóm thì cô được biết cả gia đình Tiến đã dọn đi nơi khác từ khá lâu rồi, và không rỏ đi đâu. Vậy là Hiền. phải ở nán lại thêm, và đi tìm  kiếm tin tức của Tiến khắp nơi.
Thật là khó chịu khi cứ phải nghe từ sâu thẩm một nỗi đau triền miên, cái ung nhọt của lòng tự hối, của mặc cảm phạm lỗi, gậm nhấm âm ỉ trong tim, càng khó chịu hơn vì đã không thể chia sẻ được nổi đau nào đó của một người mà mình thương yêu, kính trọng. Không thể giúp được gì và không thể biết bây giờ người kia sống ra sao ! Có đang đau khổ tinh thần, thể chất…Và có đang trách hận mình !
Cuối cùng sau một tháng tìm kiếm vất vã khắp nơi. Nhờ vào manh mối từ những người bạn học cũ của Tiến. Tuy bây giờ ai cũng đã nên danh phận rồi, nhưng họ vẫn còn liên lạc với Tiến. Họ, ai ai cũng ngạc nhiên, và tiếc dùm cho mối tình đẹp, nên thơ của Hiền và Tiến. Nhất là khi biết Tiến cũng vì sự tan vỡ ấy mà trở nên suy sụp, bỏ dỡ cả tương lai.
Khi đã có cái địa chỉ mới của Tiến trong tay. Hiền mừng lắm. Cô chuẩn bị tinh thần khi sẽ đối diện lại một lần cuối với người xưa mà nàng được biết là nay đã lập gia đình và đã có hai mặt con.
Tiến đã đồng ý gặp riêng một lần theo yêu cầu khẩn thiết của Hiền, chứ thật ra chàng ta không muốn gặp lại người tình đầu nữa, và cho biết là đừng nên thắc mắc gì về tình cảm ngày xưa của cả hai. Qua điện thoại Tiến đã nói một câu, cái câu ngắn ngủi đúng ra phải có tác dụng giải thoát dùm cho Hiền cái mặc cảm đè nặng tâm tư từ nhiều năm trôi qua. Câu ấy là : « Tôi không còn giận gì em nữa cả » ! Nhưng, không ngờ sau khi nghe câu ấy xong, tại sao lòng Hiền không hề thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn, mà trái lại, càng hổ thẹn, ân hận hơn với chính mình !
Hai người đã gặp nhau tại một quán nước nhỏ như yêu cầu của Hiền trước khi chia tay, lần này có lẽ là vĩnh viễn. Diễn biến cuộc hội ngộ sau hai mươi năm đã xảy ra thật êm đẹp hơn cô dự đoán. Họ chỉ nhắc lại những kỷ niệm thời còn đi học và dường như cả hai cùng cố tình tránh nhắc tới tình cảnh hiện tại. Họ lại càng không muốn đề cập đến cái đoạn đời của vết thương ung mũ trong tim từng người, nhất là Tiến ! Rồi họ đã chia tay như hai người bạn cũ, như chưa hề xảy ra một cuộc tình đầy oan trái, đau thương !
Có thật là lòng họ bình thản như vẻ bên ngoài. Có thể là không, tuy nhiên có những điều mà trách nhiệm, sự thực tại, không cho phép ai làm khác hơn được. Và nếu Hiền còn khắc khoải, vướng mắc, bởi vì chính cô là người đã gieo ra cảnh trái ngang này. Cũng như vì cô đã mang một tâm hồn quá nhạy cảm, ôm ấp nhiều mộng ảo, xa rời thực tế, nên phải chăng suốt đời cô chỉ sống với thế giới nửa hư, nửa thật của mình. Dường như điều này đã gắn liền với bản chất và cuộc đời cô rồi. Nếu cuộc tình giữa Hiền và Tiến không tan vỡ thì có lẽ cũng không êm đềm, hạnh phúc như cô tưởng. Bởi vì, khi cô nghĩ rằng mình có lỗi, cô bị cắn rức lương tâm, nhưng khi nhận được câu trả lời của cái người đang đau khổ vì mình là họ đã tha thứ cho mình, thì cô lại có vẽ hơi thất vọng !? Có phải chăng thực tế đã không như cô tưởng, có phải cô ao ước rằng người đàn ông ấy đã, và đang còn đau khổ, nhớ nhung mình. Rằng cô sẽ được nói bao lời ăn năn, hối tiếc… Và họ sẽ ôm nhau khóc, sau khi trách móc, dày vò nhau bởi năm tháng nhớ nhung dài !? Tất cả vẫn là do tâm hồn nhạy cảm,  phong phú và đa dạng của chính Hiền đã tạo dựng nên. Những tưởng tượng tự thêu dệt trong phần tâm thức siêu thực này chính là những tố chất hư cấu mà một nghệ sỹ, nhất là văn sỹ luôn cần đến để sáng tạo ra những tác phẩm văn chương của mình, và điều này luôn có một phần xa rời thực tại, nhưng lại có vai trò thiết yếu để cấu tạo nên một tác phẩm « tiểu thuyết ». Có lẽ trong truyện tiểu thuyết thì những yếu tố hư cấu kia chính là điểm thu hút đọc giả, bởi vì đời sống thường nhật quá bình thường mà mỗi người đều là vai chính, đã khiến cho người ta nhàm chán, mệt mõi. Người ta cần tìm những giây phút sống xa thực tại, vì chỉ có mộng mới cho ta được cái thỏa mãn những khát khao, mơ ước mà thực tế không có được. Phải chăng tâm lý này cũng không phải là hiếm thấy nhưng cũng cần có đủ những nguyên nhân, hoàn cảnh tác động và ung đúc nên, đủ phức tạp và nhào trộn thành một bản ngã.
***
(3)
Ngày tháng theo nhau cùng những phức cảm chất chồng làm tâm tư Hiền cứ phải luôn đối diện với những trạng thái cảm xúc dằn co, đối nghịch, thi nhau xâu xé tâm hồn. Có đôi lúc H. cảm giác mình đang sống trong một thế giới nào đó dường như hoàn toàn bị cô lập với thực tại. Khi niềm ân hận trổi dậy dày vò, H. bị chìm dưới nỗi đau dài, ray rức. Tâm hồn bãi hoãi, rũ rượi. Nay cái mặc cảm kia đã không còn đeo đuổi nữa thì tại sao cô lại không thấy vui hơn, mà hình như lại thấy thiếu thiếu một thói quen nào đó, văng vắng một kỷ niệm thân thuộc  nào đó của nội tâm. Từ khi đi thăm Tiến trở về thì H. lại mang một tâm lý khác. Biết người xưa đang sống bình yên với vợ con, có lẽ Hiền chạnh nghĩ đến cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình, cho nên cô lại cảm thấy tủi thân. Ngày xưa cho dù người tình cũ chỉ là cái bóng ảo trong tâm hồn nhưng mỗi khi có chuyện bất hòa với Trung thì H. liền trở vào thủ thỉ với cái bóng ấy để tìm sự đồng tình và an ủi trong câm lặng. Còn bây giờ thì còn đâu nữa, người tình ảo ấy đã chào giả biệt nàng rồi.

Từ khi thăm gia đình về. Trung thấy sao vợ mình chợt trở nên trầm lặng, khép kín hơn xưa, và luôn luôn ủ dột nên anh ta hơi thắc mắc. Tìm đủ cách gạn hỏi và tìm hiểu nguyên nhân vì đối với anh ta thì chuyện Hiền lấy cớ về thăm gia đình để giải quyết chuyện tình cảm riêng trong quá khứ, Trung hoàn toàn không biết.
Mặc tình cho chồng bực dọc, mĩa mai. Hiền cứ im lặng giữ cho riêng mình. Mà thật ra thì Trung cũng có biết chút ít về mối tình sâu đậm của Hiền trước khi trở thành vợ của anh vì Hiền cũng từng kể thật với chồng. Thời gian đầu Hiền luôn tránh né gần gũi anh ta. Đó cũng là một trong những lý do khiến Trung rất hận trong lòng, và chỉ cần có dịp là ra tay dày xéo vợ cho thỏa lòng thương tổn « tự ái đàn ông ». Là một kẻ cao ngạo và độc đoán anh ta luôn muốn che dấu sự yếu đuối tình cảm mà anh ta cho rằng chỉ có trong những người đàn bà, anh ta không bao giờ muốn cho vợ biết về sự ghen tuông và ganh tị của mình, đôi khi như muốn phát điên với những chiếc bóng trong lòng của Hiền, có lúc chỉ là sự tưởng tượng.
Những cảm xúc trong nội tâm của một kẻ tự cho là mình hơn hẳn mọi người, là một kẻ mạnh, đầy tự tin và tài năng mà chỉ người khác cần mình chứ mình không cần ai, đã từ từ cho hắn sự tự tôn tuyệt đối. Tuy nhiên hắn đã vô tình bỏ quên một anh bạn âm thầm nhưng luôn hiện hữu song song đó là sự « tự ti » , bởi vì nếu là một người tự tin và mạnh mẽ thật sự từ nội tâm thì họ sẽ có một tâm tình ổn định, cởi mở và sống thoải mái, tự nhiên, họ sẽ không dễ dàng bị tổn thương hay nghi kỵ với kẻ khác vì sợ bị thua kém, hay cứ phải cố giữ cái địa vị tài giỏi của mình dưới mắt người đời. Thật ra họ rất đáng thương và thiếu tự tin từ sâu xa mà chính họ không hề biết, họ ảo tưởng là mình hơn người nhưng song song họ luôn sợ bị thua sút kẻ khác. Họ phải đè bẹp kẻ khác trước vì sợ bị đè bẹp. Họ sống trong một lớp vỏ ngụy trang từ ảo tưởng. Chính cái thứ ảo tưởng tự tôn che lấp một thứ mặc cảm tự ti vi tế đã trở thành một phức cảm đáng ngại, đã biến thành một ẩn ức bức xúc thầm lặng nhưng khi bộc phát thì như ngòi thuốc nổ .
Từ tâm lý của một người đầy tự tin, thành công và điều khiển người khác, như nắm được cuộc đời trong đôi tay của mình, vô tình đã biên thành một kẻ lúc nào cũng nghi kỵ, rình rập vợ, làm như ta đây chẳng cần đếm xỉa chuyện tình cảm ủy mị, nhỏ nhặt, nhưng lại trở nên rất nhạy cảm với mọi tâm tình, đã trở nên cực kỳ tiểu tiết. Đôi khi sợ hải, ganh ghét với một cái bóng ảo do mình tưởng tượng ra, và cái bóng ấy có một uy quyền hơn anh ta. Cả thế gian này anh ta không sợ, nhưng lại phòng thủ, e dè và rình rập với một ảo ảnh !
Hơn nữa từ khi chung sống với Hiền, anh cũng tự biết là mình chưa bao giờ nắm giữ được tâm hồn cô ta, mà chỉ nắm giữ được thể xác mà thôi. Sự thông minh hiểu biết, vốn liếng kinh nghiệm đời của anh về đàn bà, nhất là với Hiền, chỉ thành công được phân nữa, còn phân nữa kia vẫn là cái phần rất riêng, rất ảo và  sâu thẳm của mỗi người, đã được hình thành từ vô thủy, vô chung, tạm gọi là bản chất vi tế, thì có lẽ chính bản thân người ấy cũng không thể nào làm chủ được huống chi là kẻ khác.
Nếu cái mâu thuẩn, phức tạp trong tâm hồn H. là mối tình ảo tưởng tuyệt vời trong dĩ vãng mà cô cho rằng tự mình đã đánh mất, nên cứ nuôi dưỡng nó âm thầm với thời gian, đã rở thành sự xâu xé triền miên trong tâm tư cô giữa ân hận, nuối tiếc và khát khao, giữa hy vọng và tuyệt vọng, thì trong thực tế đôi khi cô đã sống song song với nó mà vô tình cô không hay, vì đôi lúc cái bóng ấy và Trung đã trở thành một.
Ngược lại cái hận của Trung lại là sự hòa trộn giữa đam mê, khao khát chiếm hữu mà không được trọn vẹn, là lòng vị kỷ, tự tôn tuyệt đối bị tổn thương vô hình, vì đối thủ của mình không hiện hữu mà vẫn luôn có mặt khắp nơi và ngự trị trong chính trái tim của vợ mình ! Tất cả yếu tố trên là lý do đôi khi đã khiến anh trở nên tàn nhẫn. Dày xéo, đập đỗ chính đối tượng mà mình khao khát, và yêu thích. Đôi lúc trạng thái tâm lý ức chế này vượt khỏi sự kiểm soát của lý trí, Khiến nạn nhân có những hành động ngông cuồng, thô bạo, một phần bung phá cái ẩn ức không nói ra được, một phần là để vuốt ve lại chính lòng tự ái, tự tôn bị thương tổn đang dần biến dạng thành tự ti lúc nào không hay. Nhưng khi Trung càng dày vò, kiểm soát thì Hiền lại càng thu mình ẩn náu vào cái vỏ ốc  của mình, vào cái thế giới riêng tuyệt đối, càng khép kín, càng câm lặng hơn, và như vậy thì Trung lại cảm thấy mình càng bị bỏ rơi, mất mát một cái gì đó mà anh không có cách nào chiếm giữ, một thứ vũ khí vô hình mà anh không biết làm sao để chống lai và không thể chạm tới. Không thể định nghĩa được là mình muốn gì, được gì hay mất gì, chỉ biết là anh cảm thấy bị xúc phạm và đau khổ. Càng đau khổ hơn khi trong thực tế anh có được tất cả cái mình muốn mà sao cái muốn thật sự, vẫn không đạt được, mà không hiểu nó là cái gì !
(4)
Càng ngày Hiền càng sống thu mình vào một thế giới riêng, một thế giới xa lìa dần thực tế, đắm chìm vào những tình cảm lãng mạn, những thứ cảm xúc nồng nàn, mảnh liệt pha chút màu sắc liêu trai, thần thánh qua sự tưởng tượng, thêu dệt của mình…Hiền đã sống cùng lúc hai cuộc đời và luôn diễn xuất khá nhập vai, bởi vì chính cô cũng là một kẻ tự cho rằng mình là người đàn bà tuyệt vời. Một người nội trợ luôn quán xuyến mọi thứ trong gia đình, một người mẹ biết lo lắng cho con, một người vợ luôn hiểu và đón chìu ý chồng…Tuy vậy đôi khi lại tỏ ra nhu nhược và thụ động vì cô cũng chỉ là một người đàn bà, một người mẹ luôn mềm lòng trước con mình, một người vợ sợ mất ngôi thần tượng trong lòng chồng, và đôi khi sợ bị sự nghi kỵ của anh ta. Giống như có một thứ gì đó mà ta không thích nhưng cũng phải có nó như mọi người. Thà chịu đựng còn hơn để vật ấy lọt vào tay kẻ khác.
Cùng lúc ấy một con người ẩn mặt lúc nào cũng sống với những nỗi đam mê riêng của mình cùng những nhân vật tưởng tượng, những tình cảm phi thật…Mỗi nhân vật là một phần cảm xúc và khát khao không lối thoát của chính Hiền được hòa trộn thành những cảm tính phức hợp, điều này sẽ không khó hiểu với một người luôn sống trong sự bế tắc tình cảm và ước muốn từ những nghịch cảnh của gia đình và xã hội từ khi mới lớn, lại luôn luôn mơ mộng một thứ tình yêu bằng thủy tinh trong suốt như pha lê, nhưng chưa bao giờ chạm tới được, hoặc đă luôn tan biến khi cô ta ngỡ là mình đã có thể chạm tới.Từ nổi niềm khát khao một mối tình chỉ có trong chuyện cổ tích, thứ tình cảm khói mây, kỳ ảo, chân thành, cảm thông, hiểu biết tuyệt đối, thì dĩ nhiên chỉ có thể tìm thấy trong mơ, hoặc được dựng nên trong tiểu thuyết. Đó là những điều luôn thiếu vắng trong cuộc sống cùng Trung. Mà cũng sẽ là sự khiếm khuyết mãi mãi trong cuộc đời thực tại ! Trạng thái phức cảm kéo dài này đã khiến tâm hồn Hiền bị ức chế, ray rức không nguôi, đã bị dồn nén không lối thóat, tích lũy dần theo ngày tháng qua, trở thành một thứ hành trang quái đản, u uất, ủy mị và tiêu cực, đã gậm nhấm, rút rỉa trái tim của Hiền như một thứ tâm bệnh không có thuốc chữa.
Lúc nào cô cũng sống với tâm trạng của một kẻ đang bị mắc  trong vũng lầy, cố gắng vùng vẫy, chới với ngoi lên, mà chưa được. Như kẻ bị lạc lối trong con đường hầm hun hút, cứ miệt mài, lần mò theo một thứ ánh sáng mờ nhạt xa xôi, nhưng loanh quanh mãi vẫn chưa tìm ra lối thoát.
Để tìm kiếm cho mình một lối thông hơi, Hiền phải tự tạo nên một thế giới hoang tưởng để sống, để thoát ra tất cả những cảm xúc vốn dĩ đã không bình thường và luôn bị ức chế, để sống với nó, với cái hạnh phúc ảo ấy trong cái thế giới ảo, tối thiểu những nhân vật kia cho dù có thật thì cũng đã bị cách ly qua cái màn hình, không gian và thời gian, không ai chạm vào con người của cô được, để tạm quên đi cuộc đời thật vẫn luôn diễn ra trong một không gian nhỏ bé, ngột ngạt, giam hảm tâm hồn của cô bên cạnh những thất vọng và tổn thương mà không thể bày tỏ, trong cái thứ tình mà Trung cứ gọi là « yêu », đầy mâu thuẩn, quyết đóan, đôi khi pha lẫn hằn thù. Đó là lý do khiến H. càng ngày càng bị đè nặng bởi cảm giác hải sợ, và dần dần đi đến sự khủng hoảng một cách âm thầm, vô thức. Cô ta chợt sợ và bất an khi nghe bước chân của người ấy đi đâu về, lại có đôi khi là sự vui mừng pha lẫn sợ sệt, rồi có khi bỗng lo âu một cách vô cớ nếu có ngày nào không nghe thấy tiếng cằn nhằn hay anh ta ít nói hơn mọi khi…Bởi vì sau đó có thể là một cơn giông ập tới với những lời lẽ cay đắng, xách mé, mà đề tài là những mẫu chuyện của quá khứ, hay những liên hệ tình cảm với mọi người, bạn bè hay đôi khi ngay cả với gia đình anh chị em của cô đều có thể là đối tượng bất mãn của anh ta. Rồi sau đó lại là những ân hận, hối tiếc, tìm cách vuốt ve chuộc lỗi v.v…Những màn kịch rất đời này đã quá quen thuộc với Hiền và đã trở thành nhàm chán đến mức làm cho cô cảm thấy mệt mõi lẫn thương hại dùm cho người chồng rất cố chấp và cao ngạo của mình.

Hiền từ từ tìm thấy niềm vui khi ẩn trú và tự xoa dịu tâm hồn mình bằng thứ hạnh phúc qua cái thế giới ảo. Mỗi ngày sau khi chu toàn những công việc thường nhật, bổn phận, trách nhiệm của người vợ, người mẹ. Phần thời gian còn lại là thế giới riêng của cô cùng những người bạn ‘vừa thật vừa ảo’, có khi là ‘người tình không chân dung’ qua màn ảnh, trên Internet. Đây là một hiện tượng của thế giới hôm nay chứ không riêng gì trường hợp của Hiền. Thử tìm hiểu vài điểm chính làm cho mọi người đi tìm niềm vui qua mạn ảo, có lẽ là :
Thứ nhất : Vì có Internet, tức thế giới kỷ nghệ càng ngày càng phát triển, hiện đại, kỷ thuật cao tạo nên một thế giới sống động, nối kết mọi con người trên thế giới qua hư không. Thay vì trước kia cô A, cậu B chỉ có bạn là những người chung quanh khu phố của mình, nay thì bạn họ có thể là bất cứ ai ở nơi đâu trên thế giới, chỉ cần bật nút của chiếc máy computeur lên là có cả một thế giới rộng lớn để giải trí hay tâm tình, đơn giản, vô điều kiện, qua màn ảnh vào những giờ rảnh, sau công việc, sau những bổn phận thường thức mà mọi người đều đã quá quen thuộc và nhàm chán, và dĩ nhiên là cũng đã ít, nhiều đụng chạm, mệt mõi.
Thứ hai : Có phải bản chất thật của sự sống chính là ‘Tâm’. Điều này hơi trừu tượng với những ai chỉ tin vào duy vật, tức không tin thế giới vô hình. Ngược lại hầu hết mọi người ngày nay đều không còn xa lạ với chử ‘Tâm’. Đề tài này thật sâu xa và rộng lớn, ở đây chỉ đề cập mối liên quan giữa tâm và Internet (ở mức độ đơn giản nhất).
Vì cái tâm của con người, nói nôm na ở đây, vốn không phải là vật chất, ‘nó’ cũng là hư không (tâm không hình tướng) nên qua không gian, tâm của con người thu hút lẫn nhau một cách tự nhiên, xin mượn một câu trong triết lý đạo phật : ‘vạn vật đồng nhất thể’. Ở đây không đề cập khía cạnh tôn giáo hay đạo đức mà chỉ đơn thuần là nói đến cái tính ‘không’, nói đến bản chất như nhau của tâm và hư không, mà Internet là kỷ thuật nối kết hư không. Mọi người ngồi trước màn ảnh và nhất là khi bắt đầu kết nối qua Internet thì hầu như bị thu hút hoài. Có người sau một thời gian vào net và sợ bị nghiện ‘ma net’, mất thì giờ nên muốn dứt thói quen vào để ‘chít chat’…Nhưng hình như ít có mấy ai được thành công. Đa số thì cho sự kết nối, liên lạc qua Internet là ảo và vì ảo nên không phải đối diện hay bị một điều kiện trói buộc nào cả, do đó họ thấy thích, hơn nữa có người kể rằng bản thân họ trong đời sống thực tế không mấy tự tin, nhưng khi giao thiệp qua màn ảnh thì ngược lại họ như biến thành một người khác, trở nên hoạt bát tự chủ, tự tin. Có phải chăng khi họ ngồi một mình trước màn hình đang kết nối và đàm thoại với ai đó trên Internet, cho dù hình tướng của anh A, chị B vẫn đâu có gì thay đổi nhưng, có lẽ cái ‘Tâm’ của họ lúc này không còn bị gò bó hoặc bị áp lực bởi những thói quen bình thường nữa rồi. Cái tâm vào thời điểm này đang như ‘hư không’, thoải mái, tự do và nhờ thoát chướng ngại nên ‘nó’ cảm thấy tự tin hơn. Ngoài ra phải đề cập đến khía cạnh chủ yếu và cũng là điểm yếu của tâm ở đây là : ‘tâm bình phàm’ của con người vốn luôn chạy đuổi theo ảo tưởng. Khi ngồi trước màn ảnh kết nối liên mạng (Internet) là lúc mà ‘tâm’ thêu dệt ảo tưởng thoải mái, tự do nhất và cũng vô thưởng, vô phạt nhất.
Trở lại trường hợp của Hiền thì Internet quả đúng là môi trường, là phương pháp tự trị liệu cho cái ‘tâm bệnh’ của cô tương đối hữu hiệu nhất.
(còn tiếp)
*****
(5)
Nhưng rồi một ngày, Trung cũng khám phá ra niềm hạnh phúc trong mơ của Hiền. Anh ta bắt đầu vạch ra một kế hoạch để theo dõi, rình mò. Tìm đủ cách để bước vào cái thế giới ảo kia để khám phá xem nó có gì mà quyến rũ thế. Vợ mình thích một mình yên lặng trong phòng riêng để làm gì, vì ai, sao anh ta chợt mất luôn phần hồn còn lại của cô ta. Những thì giờ mà Hiền ngồi trước màn ảnh có khi chỉ để ‘chit chat’ với bạn ảo, tìm chút niềm vui hay tự xoa dịu lại bản ngã vốn bị đụng cham trong đời sống thực tế, cũng có lúc miệt mài để thêu dệt, tạo dựng những nhân vật tưởng tượng, thầm lặng của mình cho thoát khỏi cái áp lực tinh thần nào đó. Những khi như vậy thì Trung lại cảm thấy cô ta vượt khỏi sự kiểm soát của mình. Điều này làm cho Trung lo ngại lẫn tức tối, vì không còn biết được những diễn biến trong tâm hồn H. Thế là anh ta bắt đầu soạn thảo một kế hoạch tấn công vào cái thế giới ảo rất khó nắm bắt này. Vì anh là người thông minh và dường như trời sinh ra là khắc tinh của vợ mình, nên thấu hiểu H. hơn ai hết. Đầu tiên, anh tìm cách lấy lại tối đa những thì giờ nào mà H. có thể dành cho những người tình không chân dung trong cõi huyễn kia. Anh chàng bắt đầu mời bạn bè về chơi thường xuyên mỗi cuối tuần và lễ lạc, cũng như nhận lời tham dự nhiều hơn những buổi tiệc tùng bên ngoài. Thừa biết vợ mình ít thích hội hè, lễ đám, thì anh càng muốn cô ta phải tham dự cùng mình, với đầy đủ lý do, mà Hiền khó từ chối, huống chi vì phải chìu theo con của mình, và nó thì theo Ba nó. Và như vậy là anh ta đã hạn chế dần những thời gian rảnh của vợ, và khiến cô ta không thể miệt mài với thế giới ảo đáng ghét kia nữa. Đồng thời anh ta huấn luyện bé Quyên, để nó luôn theo sát mẹ nó, vì hể con bé theo thủ thỉ chuyện trò thì H. phải săn sóc, quan tâm con, hoặc nếu có hớ hênh điều gì thì con bé khi được bố dẫn đi chơi cho quà và gạn hỏi thì sẽ học lại chân thật.
Khi viết lách, cho dù Hiền không phải là văn, thi sỹ gì cả, nhưng vì cái giấc mơ và ảo tưởng của cô rất lớn nên cô đã tự đồng hóa mình vào cái giấc mộng văn nghệ kia rồi, do đó cô cũng cần sự yên tĩnh để suy tư. Nếu ai mà phá đám những giây phút của cuộc sống thứ hai này sau khi cô đã làm đầy đủ bổn phận của mình, thì H. không thể chấp nhận được, tuy nhiên bé Quyên thì ngọai lệ. Nhờ con bé mà Trung thu thập không ít những tin tức về cái thế giới riêng của Hiền, nhưng điều khiến anh ta hài lòng nhất là thấy vợ mình đã hy sinh những giờ phút đam mê màn ảnh để chăm lo cho bé Quyên. Anh ta hiểu rõ những nhân vật sau cái màn hình đầy quyến rũ kia tối thiểu cũng thua đứa con cưng của anh và cũng là kẻ có uy quyền nhất trong cuộc đời cô vợ bất kham của anh.
Dù sao thì con bé cũng chỉ chiếm một số thời giờ nào đó thôi, vì nó còn phải đi học, đi chơi với bạn bè, do đó, Hiền cũng vẫn có những giờ riêng cho mình, đa số là ban đêm, cho nên càng lúc cô càng thức khuya, có khi gần như thức suốt đêm với cái màn ảnh nhỏ mà tâm hồn rộng kia. Nhất là mỗi khi hai vợ chồng có chuyện bất hòa ban ngày là đêm hôm đó Hiền ngồi với cái máy luôn. Qua nó cô có thể tâm sự với bạn cách không và được an ủi, cảm thông. Con người ai cũng muốn mình được chú ý, muốn tự ái được vuốt ve nhất là những người vốn có tâm hồn lãng mạn, lại dễ bị tổn thương trong đời sống thực tế thì họ lại càng cần bám víu vào thế giới Internet kia. Có thể nói là ngày nay đa số hay hầu hết đều dính chặt với net, chỉ trừ những người không biết sử dụng computeur là mới không bị Net kết.
Thấy vợ càng thức khuya thì Trung càng bực. Có lúc phần vì tò mò, phần vì muốn chọc tức Hiền, anh ta ngồi kế bên để xem cô làm việc, và quả nhiên là cô không thể nào làm gì được. Thế là sau đó họ lại gây gỗ nhau.
Có đôi khi vì biểu Hiền đi ngủ mà cô không chịu nghe nên anh ta không thể nhẩn nại, hoặc vì ghen tức, anh ta gạt hết giấy viết trên bàn của Hiền và thô bạo kéo cô ta đứng dậy. Lúc đầu Hiền có vẽ bất mãn nhưng rồi cũng nhân nhượng nghe theo nhưng càng về sau mỗi khi như vậy cho dù Hiền rất nể chồng nhưng cô cũng phải kháng cự để giữ lại chính mình. Và thế là họ sẽ chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh với nhau vài ngày. Rồi lại đâu vào đấy, cứ thế mà thời gian chầm chậm trôi qua.

Lần cuối cùng khiến cho Hiền quyết định bỏ đi là vào cái đêm hôm ấy…
Sau khi  tắm rửa xong, như thói quen, ngồi trước màn ảnh, bắt đầu xem thư từ, trả lời bạn bè và đang định gõ bàn phím lai rai, thì bổng dưng Trung từ trên lầu đi xuống, đến bên cạnh đứng xem. Đứng lâu mõi chân nên anh ta lại kéo ghế ngồi xuống, thỉnh thoảng hỏi han vu vơ. Hiền rất khó chịu và cũng không làm gì được, nhưng thấy anh ta cũng không kiếm chuyện nên đành giả lơ, ráng tập trung vào việc của mình. Tưởng như mọi khi xem chán rồi nếu biểu vợ đi ngủ không được thì anh ta sẽ cằn nhằn một hồi rồi bỏ lên lầu, nhưng mọi việc không như Hiền nghĩ. Sau một lúc im lặng, đang say sưa chìm vào những con chữ, bỗng Hiền cảm thấy một bàn tay đặt lên vai. Giật mình sực tỉnh cơn mơ, cô quay qua nhìn Trung, ngầm hỏi xem anh ta muốn gì, có lẽ lúc ấy ánh mắt của Hiền không che dấu được vẽ bực bội. Trung hơi cười, giọng không tự nhiên, ngập ngừng : « không nên thức khuya quá hại cho sức khỏe, đi ngủ thôi em ». Hiền hất nhẹ tay anh ta ra, trả lời : « tôi chưa buồn ngủ, tôi chỉ có chút thời gian này để viết lách thôi, anh đi ngủ trước đi ». Bầu không khí trở nên căng thẳng, nặng nề bao trùm gian phòng, nhưng Trung không đi, đứng dậy, khuôn mặt sầm tối. Hiền ráng giữ bình thản, tiếp tục công việc của mình, nhưng cô không thể tập trung, và có cảm giác sờ sợ vì cô linh cảm một cái gì đó bất thường sắp sửa xảy ra. Nhất là cách đây chưa lâu, cô chợt khám phá ra có bàn tay ma quái nào đó đã lục lọi giấy tờ, thư từ, đồ dùng riêng của cô, và cái computeur cá nhân cũng có bàn tay lạ đụng vào, không rõ đã làm gì. Nhưng qua bộ điệu, cách nói của Trung từ thời gian gần đây cô có cảm giác là dường như chồng mình đã biết được việc mình kiếm cớ thăm gia đình để đi tìm lại người tình xưa. Trong nhà ngoài hai vợ chồng và bé Quyên còn quá nhỏ chưa biết sử dụng computeur, thì ai vào đây. Đang miên man suy nghĩ. Bất thình lình cánh tay cô bị Trung kéo mạnh, dù bị bất ngờ nhưng Hiền vẫn đủ tỉnh táo để gượng người lại trên ghế không để bị lôi xốc dậy, một tay giữ cạnh bàn, la lớn trong vẽ xúc động mất bình tĩnh : « Anh buông tôi ra, làm cái gì kỳ vậy ».
Trung coi như không nghe, tiếp tục nắm tay vợ, kéo mạnh, cặp mắt ngầu đỏ phát ra tia hung hãn trong khi miệng vẫn nhếnh cười, nói : « Thì dẫn em lên lầu ngủ chứ làm gì, tối ngày cứ ôm ba cái thứ vớ vẩn ấy đâu có ra lợi ích gì nào». Nghe anh ta nói với giọng khinh thường này, cô nổi giận lớn tiếng : « Ông thì mở miệng là chỉ biết lợi với lộc. Không, tôi không đi đâu hết, yêu cầu bỏ tay tôi ra ngay ». Thấy cô cượng chống mạnh mẽ, khó mà lôi kéo theo ý mình được, anh ta buông tay ra, nhưng khuôn mặt lúc này trông rất đáng sợ, mắt long lên, mặt đỏ bừng vì tức mà cố dằn nên hơi thở dồn dập, hổn hển. Anh ta im lặng suy nghĩ một chút và vì hiểu Hiền là loại người không dễ khuất phục bằng bạo lực, và khi đã không muốn thì có giết cô ta chăng nữa cũng bằng thừa thôi. Nghĩ vậy rồi anh ta bị khựng lại, hơi khó xử. Sau vài phút, cố dằn nén cơn giận dữ, gượng cười và dằn giọng từng tiếng một : « Nếu em không chịu theo anh thì anh sẽ lên kêu con Quyên dậy nhé, để nó gọi mẹ đi ngủ kẻo thức khuya quá ốm đấy ». Nghe đến con là Hiền giật gân hoảng sợ, sợ anh ta lại đem con bé ra làm cục kê cho ý đồ riêng của mình, vì vậy cô giận cành hông và như mọi khi cô ta cảm thấy rất uất ức, đồng thời cũng cảm thấy coi thường người đàn ông này hơn bao giờ. Nhưng cô cũng đành thu dọn đồ đạc và đứng dậy đi lên lầu theo ý muốn của anh ta. Lần này cũng chỉ là một trong những lần trước đây chứ cũng không có gì mới lạ với Hiền, cái chiêu độc mà anh ta chỉ dùng khi thật cần, chỉ khác là như ly nước gần tràn khỏi miệng thì đây có lẽ là những giọt cuối cùng.
(còn tiếp)
 (6)
Sau đêm đó, Hiền quyết định rời khỏi nhà vào lúc trời chưa sáng hẳn, khi Trung và cả bé Quyên chưa thức dậy. Chỉ quơ vội vài bộ quần áo bỏ vào cái xách tay nhỏ, cô lặng lẽ rời khỏi nhà. Quay nhìn lại lần cuối, nơi đã sống hơn mười năm với chồng con, Hiền chợt nghe trong lòng dấy lên một nỗi đau tê tái. Những giọt lệ âm thầm lăn trên má. Chân bước nặng nề, bao lần muốn quay lại, nhưng cô không thể nào tiếp tục chịu đựng được sự đau khổ đã dày vò mình khôn nguôi, nơi chốn mà những người bình thường vẫn gọi là mái ấm gia đình, với cô thì cái hạnh phúc mong manh ấy chỉ như cơn gió thoảng qua những tháng ngày đầu của đam mê, và cửa thiên đàng là chiếc bóng ảo vọng, phủ lớp sương mù của địa ngục trần gian, đôi khi…!
Kể đến đây, Hiền khẽ đưa khăn lên chậm nước mắt, nước mũi giữa tiếng sụt sịt nho nhỏ của cơn xúc động, và sự tổn thương nào đó chưa nguôi. Bổng điện thoại di động lại vang lên. Suốt mấy ngày qua, dù điện thoại cứ réo mãi nhưng cô cố gắng không nghe. Lần này ngoài sự kiểm soát của lý trí, Hiền vội đưa tay vào túi áo lấy ra nghe. Đầu dây bên kia chợt vang lên tiếng quen thuộc của cố nhân, âm thanh hơi nặng nề : 
- Allo, anh đây, em đang ở đâu thế, cho biết để anh đến rước về, con bé khóc nhớ mẹ mấy hôm nay, sắp bệnh rồi đấy ! 
Hiền im lặng, cố dằn nén một cảm xúc nào đó mà chính cô cũng không thể định nghĩa…hòa trộn giữa hờn giận còn chất ngất, nhưng pha lẫn đôi chút bồi hồi.
Đầu dây bên kia lại nói tiếp, hơi hối hả : 
- Cho biết chỗ anh đến rước nhé, vợ chồng giận nhau rồi cũng thôi chứ, chả lẽ bỏ nhau và bỏ con đi biệt sao.
Hiền vẫn im lặng ; trong lòng cô rối bời như tơ vò. Khi quả quyết ra đi thì cô luôn nghĩ đó là lần cuối, nhưng mỗi khi Trung òn ỉ, kèo nài, than vãn, ve vuốt…thì lòng dạ mềm yếu của một người vợ, và người mẹ muôn thuở của cô lại trỗi dậy mảnh liệt hơn bao giờ. Có lẽ đây là một định luật trần gian hay đành nói là ‘nợ nghiệp ’ của người phụ nữ vậy. Hiền cố lấy giọng bình tĩnh yêu cầu :
- Cho tôi nói chuyện với bé Quyên một chút 
Bên kia đầu dây im vài phút rồi có tiếng của con bé vang lên : 
- Mẹ, mẹ ở đâu về với con đi mẹ, con nhớ mẹ lắm ! 
Hiền im lặng, toàn thân hơi run lên bởi xúc cảm của tình mẫu tử thiêng liêng :
- Con đấy hả, con vẫn khỏe chứ, đi học bình thường phải không, mẹ cũng nhớ Quyên. 
- Vâng, con đi học bình thường, chừng nào mẹ về ?
- Con nghe mẹ dặn nhé, mẹ đi vắng ít lâu, vì có việc quan trọng chưa thể về nhà, nhớ ăn uống giữ gìn sức khỏe, mẹ sẽ thường gọi thăm con, thôi nhé, mẹ cúp đây.
Cúp điện thoại rồi mà Hiền còn bần thần như mất hồn. Cô quay lại nói với Linh :
- Mình vào nghĩ chút, cảm thấy hơi mệt. Cô lảo đảo đứng lên
- Được, bồ cứ tự nhiên.
Nhìn dáng tiều tụy, thểu não của bạn đi vào phòng mà lòng Linh cảm thấy buồn bả, bâng khuâng, thầm nghĩ quả thật ‘Đời là bể khổ’ và ‘Tình là giây oan’ !
Có lẽ dưới mỗi mái gia đình đều có những mầu số chung : Hạnh phúc, khổ đau, hỉ, nộ, ái, ố…Sau những giờ vui vẻ sẽ là những lúc buồn rầu, tiếp nối nụ cười sẽ là giọt lệ rơi. Có khi hy vọng, có lúc thất vọng, có niềm hân hoan có nỗi u sầu. Rồi con người vẫn tiếp tục sống, mỗi người vẫn đi theo một con đường nào đó của riêng mình. Họ đi tìm và xây đắp những tình cảm để mong tìm thấy hạnh phúc trong đó. Họ hân hoan khi mới lập gia đình và vun sới mọi thứ cho cái tổ âm ấy, để rồi sau đó, từ từ họ bắt đầu đối diện với những khổ đau được khoát bởi nhiều lớp võ khác nhau cũng trong cái tổ ấm ấy, nhưng chung quy đều có chung mẫu số. Vì con người có cùng bản chất. Cho dù nghiệp lực mà họ đã tạo và đang tạo có khác nhau. Họ luôn mong cầu hạnh phúc, an vui nhưng họ vẫn không có hạnh phúc nào vững bền. Họ không giữ được những gì họ muốn trước sự đổi thay của cuộc sống, cũng như không biết được sự thay đổi của chính mình. Cứ như thế mãi mãi cho tới ngày cuối cuộc đời.
Linh chợt nhớ lại câu thơ của ai đó mà Mẹ mình thường nhắc khi bà còn sinh tiền : « Một lần mình khóc, một lần người khóc. Thấm thoắt bao lần giọt lệ rơi » !
Thời gian trôi qua, đã hơn hai tháng. Ngày nào Trung cũng gọi. Lúc đầu Hiền có vẽ khó chịu, bực bội như bị quấy rầy. Đôi khi cô tiếp điện thoại, đôi khi không. Có khi Hiền có vẻ mong nhưng rồi lại sợ. Lâu dần những cú điện thoại vào những giờ nhất định lại khiến Hiền mong ngóng. Hiền cố tình che đậy cảm xúc mâu thuẩn của mình nên chỉ trả lời khi nào muốn nói chuyện với bé Quyên.
Thỉnh thoảng cô cũng thử đi gặp bà con, bạn bè hai bên để nghe những ý kiến và lời khuyên. Hầu hết mọi người ngoài cuộc thì đương nhiên ai cũng chỉ khuyên cho có lệ và muốn họ hàn gắn. Hiền biết chỉ có chính cô là người hiểu để tự chọn và quyết định cho mình. Tuy nhiên một mặt cô nghĩ rằng khó có thể tiếp tục một cuộc sống chung như vậy. Chỉ là tự biến mình thành một chiếc bóng, nhưng lại không thể xa đứa con, và cũng dường như không thể xa một thói quen, một quyền lực nào đó thật vô hình nhưng cũng đã trói buộc đời cô thật chặt chẽ !?
Khi đã sống xa khỏi tầm kiểm soát của chồng. Làm theo những gì mình thích, Hiền cũng cảm thấy không khí tự do thật là thoải mái. Đồng thời đôi khi tại sao cô lại cảm thấy trống vắng và cô đơn. Hiền chợt hoang mang với chính mình khi khám phá ra một thứ tình cảm phức tạp đang xâu xé trái tim. Tại sao cái kẻ độc tài, đã biến cô thành ‘một tù nhân lương tâm’kia, lại luôn quanh quẩn trong tâm trí cô, mà thậm chí khi thiếu lời nói cay nghiệt hay ánh mắt nghi ngờ, giận dữ của hắn ta thì cô lại cảm thấy không còn ai lưu tâm đến mình nữa. Hiền chợt rùng mình, xua đuổi cái tư tưởng kỳ quái kia đi, và cũng muốn trốn chạy chính sự khiếp nhược sâu xa…trong bản chất của mình mà bấy lâu cô không nhìn ra. Cô lại cứ ngỡ mình là người độc lập và tự quyết.
Có lẽ đây chính là nan đề mà suốt bao năm qua Hiền vẫn như con nhện bị quấn chặt, xoay mòng mòng không thể nào thoát khỏi cái lưới của chính nó giăng. Cứ phải sống trong bầu không khí căng thẳng, dưới một áp lực chặt chẻ và vô hình, đôi khi cái cảm giác ấy đeo đuổi cả trong giấc ngủ, khắp mọi nơi trong cái tổ ấm nghịch lý kia. Còn tình cảm thì chính cô cũng không rỏ là còn hay hết, yêu hay hận, hay cả hai, nhưng cứ  có cảm giác ‘sờ sợ’. Tuy nhiên sau khi xảy ra những đỗ vỡ, rồi người ấy lại tỏ ra ăn năn, hối lỗi. Kể lể những kỷ niệm và tìm mọi cách để ve vuốt cái tự ái phụ nữ của cô, thì tại sao cô lại mềm lòng, quên hết và đi vào vết xe cũ. Cứ vậy quay hoài !
Quả là duyên nợ. Nếu có duyên mà không nợ thì cũng không nên vợ chồng. Vậy thì chữ nợ đây là chìa khóa của oan khiên, mà nếu không tạo nghiệp thì đâu có mắc nợ, và hỏi có mấy ai biết được nghiệp nào mình đã tạo ra nhỉ ?! Vậy nợ nghiệp không tách khỏi khổ đau. Chỉ trừ khi ngày nào mình tỉnh khỏi giấc ngủ dài trong bến mê này !
Hiền đang cố lắng nghe lòng mình để tìm hiểu sự thật về mối tình oan nghiệt của cô và người ấy. Thật ra là loại tình cảm gì. Cô chỉ thấy mình như lạc vào một cõi sa mù, mịt mờ không lối thoát và có lẽ sẽ mãi mãi là bài toán không có giải đáp !?

TNKH


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét