THÁI LAN - SỰ MÙ QUÁNG TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC ĐƯA DÂN TỘC CHÌM VÀO SUY THOÁI VÀ NỘI LOẠN…
Suốt bảy tháng qua nước Thái Lan luôn chìm trong bất ổn xã hội và chính trị do những đảng phái xâu xé nhau vì tranh đoạt quyền lực. Phe chống chính phủ (PDRC), từ tháng 11/2013 luôn xách động biểu tình đòi giải thể chính phủ của Thủ tướng Jingluck Shinawatra, mục tiêu chính là lật đổ chính quyền do dân bầu và để họ đề cử một chính phủ không qua bầu cử, nhằm triệt hạ ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thasink Shinawatra, điều này đi ngược lại thể chế Dân chủ và hiến pháp, do đó Thủ tướng Yingluck không thể từ chức, tuy nhiên để xoa dịu tình hình bà đã giải tán Quốc hội đồng thời cố gắng tổ chức cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2/2014. Tuy nhiên cuộc bầu cử đã bị Bộ tư pháp hủy bỏ vì cho là không hợp lệ, tiếp tục đẩy Thái Lan chìm trong suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Tiếp theo đó là một loạt những âm mưu mà theo giới quan sát chính trị là để cố tình dẫn đến một cuộc ‘đảo chính Tư pháp’ do các cơ quan độc lập của Thái Lan thực hiện, như Ủy ban phòng chống tham nhũng (NACC), Tòa án hiến pháp.
Điều dự đoán đã thành hiện thực khi Ủy ban chống tham nhũng đã truy tố Thủ tướng vì sai sót trong chương trình trợ giá gạo. Bước tiếp theo là Tòa án hiến pháp đã chính thức truất quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 7/5 vừa qua với một lý do rất là ‘khó tin’ mà có thật tại xứ Chùa vàng - đó là vì Thủ tướng chính phủ (Cơ quan hành pháp) đã thuyên chuyển công vụ của Chủ tịch hội đồng An ninh quốc gia vào một vị trí khác. Điều trên đã cho thế giới mở rộng tầm mắt là nước Thái Lan không có Tam quyền phân lập và hiến pháp rất nhập nhằng. Cơ quan tư pháp có thẩm quyền truất phế Cơ quan hành pháp và Lập pháp. Và cũng đồng thời trả lời với thế giới rằng quyền sính sát nằm trong tay ‘Bộ tư pháp’ có khác nào là sự Độc tài nằm trong tay mấy ông quan tòa của xứ này, thì làm gì còn hiến pháp mà xét với xử ?!
Theo ‘Le Monde’ đây là cuộc ‘đảo chính tư pháp’ đã dự báo trước, rất vô lý với các nước khác nhưng thật là tự nhiên ở Thái Lan vì Tòa hiến pháp đã từng truất phế 3 Thủ tướng trong thời gian qua.
Màn kịch ‘phế vị’ được dàn dựng có hệ thống và bài bản tuy là không qua mắt được ai, được ngụy trang vụng về dưới lớp vỏ hiến pháp nhằm triệt hạ chính phủ của Thủ tướng Dân cử Yingluck Shinawatra, vì sợ ảnh hưởng dân chủ thực sự lớn mạnh và sự được lòng dân của anh trai bà, cũng như của chính bà Yingluck.
Họ không dừng lại ở đó mà còn muốn làm cho cựu Thủ tướng Yingluck sẽ bị Thượng viện quy tội và cấm hoạt động chính trị trong 5 năm, để khỏi ra ứng cử trong kỳ bầu cử sắp tới, bằng cách Ủy ban chống tham nhũng tiếp tục khởi tố bà Yingluck lên Thượng viện, một mặt họ vội vàng bầu chủ tịch Thượng viện mới sau khi tòa án đã truất phế cựu chủ tịch Thượng viện cũ bị quy tội là thân chính quyền bà Yingluck.
Theo Reuters, sau khi Tòa án bãi nhiệm Thủ tướng thì tình trạng bất ổn sẽ gia tăng vì đa số những người dân ủng hộ chính phủ sẽ không khoanh tay đứng nhìn, nhất là họ đều biết các cơ quan như URCC hay Tòa hiến pháp âm thầm cấu kết nhau nhằm ‘đảo chính tư pháp’, làm lợi cho phe đối lập ‘UDRC’ thuộc thành phần đô thị trung lưu, bảo hoàng muốn duy trì tình trạng xã hội trước thời Thasink, muốn chỉ định Thủ tướng mà không do dân bầu.
Thật khó dự đoán tương lai chính trị Thái Lan, nhưng các cuộc biểu tình trên đường phố chắc chắn sẽ gia tăng và có thể dẫn đến xung đột đẫm máu. Điều tệ hại hơn là tình trạng bất ổn kéo dài hiện nay ở Thái Lan có nguy cơ dẫn đến nội chiến.
Một điều trong thực tế, được khẳng định là tình trạng mất an ninh kéo dài sẽ làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng trầm trọng cho nền kinh tế của Thái Lan vốn dĩ chông chênh suốt nửa năm qua. Thái Lan, một đất nước với 70 triệu dân được xem như là một trong những nước thành công về phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, quốc gia này đang càng lúc càng sa lầy vào cuộc khủng hoảng chính trị, khi các cuộc biểu tình của phe ủng hộ Chính phủ (Áo đỏ) và phe chống Chính phủ (Áo Vàng) liên tục diễn ra tại các vùng miền và thủ đô Bangkok. Một đất nước bất ổn như vậy không thể là điều kiện tốt để thu hút các nhà đầu tư thế giới.
Nếu những nhà chính trị của một quốc gia không đặt quyền lợi Tổ quốc và Dân tộc lên trên hết, chỉ vì quyền lợi cá nhân và đảng phái, bất chấp thủ đoạn chỉ cốt đạt mục đích là quyền lực và hư danh thì thật bất hạnh cho dân tộc đó, vì người dân không hề được tôn trọng và thay vì làm chủ đất nước mình thì họ chỉ bị lợi dụng, giật dây và bị hy sinh ! Đất nước sớm muộn gì sẽ bị suy vong và đắm chìm trong tang tóc.
hhx475 (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét